Tác giả: Luật sư Zhang Zhi Dan, trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Yingke thành phố Bắc Kinh tại Hà Nội
- Trình tự thực hiện:
Theo Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam thực hiện như sau:
– Bước 1: Nếu cư trú ở trong nước, người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp nơi cư trú. Nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
– Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
– Bước 3:
+ Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp thực hiện Đăng thông báo việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Báo Pháp luật tỉnh trong ba số liên tiếp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Trang thông tin điện tử của mình.
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả về Sở Tư pháp.
Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề nghị ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
– Bước 4: Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ giải quyết:
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
+ Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Công an nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an trả lời kết quả xác minh.
– Bước 5: Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận hồ sơ giải quyết
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
– Bước 6: Thông báo kết quả giải quyết
+ Bộ Tư pháp thông báo cho người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc thôi quốc tịch Việt Nam và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
+ Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.
– Bước 7: Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp như sau:
+ Lần 1: Nhận thông tin hồ sơ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề nghị gửi Bộ Tư pháp.
+ Lần 2: Nhận thông tin cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc văn bản từ chối giải quyết hồ sơ.
- Cách thức thực hiện:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.
– Nhận thông tin về hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thư điện tử.
– Nhận kết quả qua đường bưu điện.
- Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam;
+ Bản khai lý lịch;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác (một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi);
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
+ Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này (Giấy tờ xác nhận việc người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm cho người đó được nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này. Trường hợp người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài);
+ Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
+ Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam (do thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, cách chức, giải ngũ hoặc phục viên căn cứ vào quy chế của ngành để xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó).
* Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ:
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
+ Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
+ Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
– Số lượng hồ sơ: 03 bộ.
- Thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp thực hiện Đăng thông báo việc và gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả về Sở Tư pháp.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề nghị ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Công an nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an trả lời kết quả xác minh.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bộ Tư pháp thông báo cho người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc thôi quốc tịch Việt Nam và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp, Chính phủ, Chủ tịch nước.
– Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp thực hiện thủ tục hành chính: Công an tỉnh.
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc văn bản từ chối, có nêu rõ lý do.
- Lệ phí: 2.500.000 đồng/trường hợp.
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
+ Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (Mẫu TP/QT-2010- ĐXTQT.1 kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010);
+ Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (Dùng cho người giám hộ làm đơn xin cho người được giám hộ) (Mẫu TP/QT-2010-ĐXTQT.2 kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010);
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
– Người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
+ Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
+ Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
– Người có nguyện vọng thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
– Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.
- Trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam được miễn thủ tục xác minh về nhân thân
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của những người thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân, cụ thể:
– Người dưới 14 tuổi;
– Người sinh ra và định cư ở nước ngoài;
– Người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên;
– Người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.
——————————————————————————————————————————————
Nếu bạn có nhu cầu pháp lý đầu tư vào Hoa Kỳ, vui lòng liên hệ với chúng tôi như sau:
Chi nhánh Văn phòng luật sư Yingke thành phố Bắc Kinh tại Hà Nội
Địa chỉ: Lô A1L3-04+05, tòa A1 Dự án Ecolife Capitol, 58 Tố Hữu, phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Người liên hệ: Luật sư Zhang Zhi Dan
Điện thoại: + 84 859600354(Việt Nam)
Zalo: (+86)13481033546
——————————————————————————————————————————————-
Thông báo đặc biệt
Không được phép sao chép bất kỳ nội dung văn bản, hình ảnh, âm thanh và video (nếu có) trong bài viết này khi chưa được ủy quyền. Nếu có nhu cầu chia sẻ hoặc trích dẫn, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được ủy quyền, đồng thời phải ghi rõ nguồn và thông tin tác giả khi chia sẻ.
Nội dung của bài viết này chỉ nhằm mục đích trao đổi thông tin và không đại diện cho quan điểm, đề xuất hoặc cơ sở ra quyết định pháp lý của Chi nhánh Văn Phòng Luật sư Ying Ke Thành phố Bắc Kinh tại Hà Nội hoặc Đội ngũ luật sư của văn phòng. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc phân tích chuyên môn, vui lòng liên hệ với chúng tôi.